Cô gái đam mê làm mỹ phẩm handmade: “Cứ đi là tới”

11:4023/11/201871 lượt xem

Nếu gặp Vũ Thị Thu Trang bây giờ, khó ai có thể tưởng tượng được chỉ mấy năm trước, đó còn là một cô bé da đen đen, luôn tự ti, tạo cho người đối diện cảm giác ủ dột, buồn bã man mác. Nhưng cơ duyên, cùng nỗ lực giải quyết vấn đề, đã đưa Trang đến với những hộp kem, thỏi son tự làm. Giờ đây, cô gái 22 tuổi này không chỉ giúp cho chính mình bước qua mặc cảm, nhận thấy giá trị của bản thân, mà truyền cả giá trị đó đến với nhiều bạn gái khác.

Gặp Trang trong căn nhà nằm ở một ngõ nhỏ nơi con phố Hoàng Quốc Việt, cô gái 22 tuổi này luôn nở nụ cười thân thiện sáng bừng trên gương mặt trắng mịn có thể khiến mọi người thầm xuýt xoa. Trò chuyện với Trang, thiện cảm sẽ càng nhân lên nhiều lần, bởi cách nói dung dị, mà tràn đầy tinh thần chia sẻ của thế hệ trẻ bây giờ.

 Cái duyên

 Nếu hỏi Trang đến với nghề như thế nào, cô chủ nhỏ sẽ trả lời một cách nhẹ nhàng và ngắn gọn: Nhờ duyên. Trang chia sẻ: “Đến với mỹ phẩm handmade như một duyên nghiệp. Trước cũng thử nhiều việc, nhưng dường như, đã có một điều gì đó nằm sâu bên trong mà mình không để ý, bỗng một ngày nó bỗng bộc phát ra, rồi chuyện phải đến cứ tự nhiên mà đến.”

 Khi còn đi học, Trang khác giờ nhiều lắm. Vì da hơi xỉn, Trang luôn cảm thấy mình không đủ xinh xắn, vậy là cô bé quyết định biến mình thành một cậu con trai, mặc đồ rộng thùng thình, quần nhiều túi, đi giày đinh, để tránh né cái thú trời sinh khi là con gái: làm duyên, làm đẹp. Điều này không thay đổi khi Trang lên học Đại học Hà Nội. Ở một ngôi trường đa ngôn ngữ, bạn có thể theo bất kỳ trường phái, phong cách nào. Thế nhưng, khi quyết định thi lại vào Ngoại thương, khi thấy các bạn xung quanh luôn nói chuyện về chuyện làm đẹp, dùng mỹ phẩm nào tốt, dùng son nào lên màu, dùng phấn nào thêm xinh, sự né tránh trong Trang dần bị phá vỡ.

Trang của ngày xưa.

Nhưng phải đến khi có cơ duyên biết được một khóa học trang điểm ở trường, Trang mới thực sự lao đi tìm giá trị bản thân. Đó không hoàn toàn là một kỷ niệm vui, nhưng Trang đã học được rất nhiều từ đó. Khi các bạn đã xong xuôi, thì Trang vẫn đang loay hoay với đống son, kem, phấn. Khi hỏi một chị hỗ trợ ở đó “Em không biết làm sao cả” thì lại nhận được cái nhìn khinh thường. Cảm thấy bị tổn thương, cô gái 9x này đã đi mua nhiều loại mỹ phẩm đắt tiền, dùng một cách “ngấu nghiến” với niềm tin mình sẽ đẹp lên, nhưng chẳng mấy hiệu quả.

Đứng trong tình cảnh đó, thông thường con người có ba lựa chọn: một là tiếp tục chạy theo hết mỹ phẩm này đến mỹ phẩm nọ, hai là tự mình giải quyết vấn đề của bản thân chứ không trông chờ người khác, ba là từ bỏ. Và Trang đã lựa chọn con đường thứ hai.

Hành động

Nghĩ là làm. Năm 2012, Trang thực sự bắt tay vào làm mỹ phẩm, hiểu được tầm quan trọng của thiên nhiên với sức khỏe và sắc đẹp mà lao đầu vào nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi từ các khóa học và những người đi trước. Nhớ cái thời mới bước vào nghề, “nhắc đến handmade là một thứ gì đó cực kỳ xa xỉ. Em không phải là người giàu có về tiền bạc, nhưng em giàu có sự quan tâm. Mọi người thường không sẵn sàng tự làm mỹ phẩm, cho rằng đó là một điều gì đó cực kỳ khó khăn hay cao siêu.” Nhưng thực chất, làm mỹ phẩm không khó, mà làm có đúng không, có công thức khiến bạn và những người khác thực sự hài lòng hay không mới là điều đáng nói.

Trang thử tự làm sản phẩm chăm sóc da cho bản thân, rồi làm tặng cho cả người thân, hàng xóm, bạn bè. Khi ấy, dầu dừa là phổ biến nhất. Nhưng rồi Trang biết rằng đây là loại dầu nặng, dùng cho tóc rất tốt, nhưng lại có thể làm da “ngập dầu”. Vậy là lại tìm hiểu, lại nghiên cứu, cất công tìm nguồn nhập dầu từ nước ngoài về để mày mò.

Cứ làm thì đam mê ăn sâu vào trong người lúc nào không hay. Từ kem dưỡng rồi làm thêm son, dầu dưỡng, sữa rữa mặt, nước hoa hồng, dầu tẩy trang… Dần dần, thấy mọi người công nhận sản phẩm của mình và khuyến khích mình chia sẻ nhiều hơn, Trang tự tin mở một khoảng trời riêng xinh xắn cho riêng mình. Từ căn phòng trọ nhỏ bé, thuê thêm một góc trọ nhỏ bên cạnh vừa làm cửa hàng vừa làm phòng tư vấn vừa làm nơi nghiên cứu phát triển sản phẩm, dần dần, Trang có đủ hành trang để thuê hẳn một căn nhà, bên trên để ở, bên dưới làm cửa hàng và phòng nghiên cứu.

Đam mê

 Đến nay, khi đã là chủ một shop nhỏ xinh xắn, Trang vẫn giữ trọn vẹn niềm đam mê nguyên sơ với mỹ phẩm handmade, chứ không chạy theo kiểu kinh doanh chộp giật thường thấy ở Việt Nam. Cũng chẳng ai lạ gì chuyện đi mua hàng ở một cửa hàng, thời gian đầu thì sản phẩm rất tốt, nhưng khi lượng khách đông lên thì bắt đầu bất cẩn, thậm chí trộn cả hàng giả, hàng kém chất lượng để kiếm lời. Nhưng Trang cho rằng, dù làm gì, thì chỉ cần đủ sống, đủ vốn mình quay vòng, và quan trọng nhất, tâm mình thanh thản và thoải mái.

 Nếu như bước vào một cửa hàng mà bạn chỉ mua một nhúm đồ không đáng kể, hẳn người bán hàng sẽ “làm sắc mặt” cho bạn xem. Nhưng nếu đến gặp Trang và đặt làm một thỏi son với màu rất ít người dùng, cam chói như màu nước Fanta chẳng hạn, cô chủ nhỏ vẫn không ngần ngại mà tận tâm nghiên cứu. Có thể thành công, có thể không, nhưng với Trang, niềm vui nằm trong chính quá trình nghiên cứu và sẻ chia. “Em luôn tâm niệm nói những điều em cảm thấy đúng đắn, chính bản thân mình cũng thực sự thích thú, khi đó mọi người cũng sẽ đồng cảm với mình.”

Đường đi

Theo đuổi làm mỹ phẩm handmade, Trang cũng có nhiều trăn trở. Chính bản thân đã từng dùng thử nhiều loại sản phẩm đắt tiền mà thấy không ưng ý, Trang đặt ra câu hỏi: “Chúng ta phải nhập rất nhiều mỹ phẩm. Tại sao chúng ta lại không làm những sản phẩm tương tự như thế cho người Việt dùng mà không phải nhập khẩu, rồi thậm chí gặp phải hàng nhái? Em trăn trở nhiều về sự ưa chuộng làm đẹp của người Việt, cứ phải trắng tinh tinh, sáng chói, rồi ba vòng dạo phố khiến người ta nhìn chết ngất mới là đẹp.”. Với Trang, “khỏe là đẹp. Da cũng vậy, khỏe rồi sẽ đẹp bền vững.”

 Trang đặc biệt coi trọng giá trị sẻ chia. “Em muốn giúp các bạn còn đang ngần ngại làm đồ handmade thấy rằng ‘Bạn làm được, tôi cũng làm được’.” Khác với nhiều bạn làm handmade khác chỉ làm cho vui, hay chỉ tập trung cho mục tiêu bán hàng, với Trang, theo đuổi con đường handmade là muốn mọi người được dùng những sản phẩm tươi nhất, sạch nhất, bỏ hết các khâu trung gian.

Cô gái 9x này còn chia sẻ thêm: “Có nhiều sản phẩm trước kia em từng làm nhưng giờ không làm nữa, mọi người cứ hỏi tại sao. Với em, phải những sản phẩm nào bản thân thực sự thấy tốt, hoàn toàn tin tưởng vào nó thì em mới làm thành hàng bán. Làm handmade đúng và chuẩn là phải làm những sản phẩm mình hiểu. Có nhiều bạn quảng cáo sản phẩm của mình quá thần thánh. Nhưng em không thích kiểu đó. Em không bao giờ đặt hai chữ “thần tốc” vào sản phẩm của mình. Em không đặt chuyện “giá cả” vào niềm đam mê này. Làm gì thì chỉ cần đủ sống, đủ quay vòng vốn, và đặc biệt cảm thấy thoải mái và thấy những gì mình làm là có giá trị.”

Trang của hôm nay

Như bao bạn trẻ khác trên con đường khởi nghiệp, Trang cũng từng có lúc muốn buông xuôi tất cả. Đó là khi thông tin về các sản phẩm handmade đánh lừa người tiêu dùng, phê phán hàng giả tạo nổi lên. “Nhiều người đọc, chia sẻ và tag cả em vào, nhắn tin nói những lời khiến em cảm thấy bị tổn thương. Em thấy buồn khi mọi người đánh giá, phán xét, đánh đồng sản phẩm của mình qua cái nhìn về một sản phẩm khác. Em đã dành rất nhiều thời gian cho công việc này. Bỏ đi thì em không nỡ, nhưng khi ấy em từng nghĩ muốn rút lui, chỉ là một người dùng, chứ không chia sẻ nữa.”

 Nhưng dưới sự động viên của mọi người, niềm đam mê làm mỹ phẩm và mong muốn làm nên một giá trị gì đó, Trang gác lại nỗi buồn, quyết tâm tham gia vào những cuộc thi khởi nghiệp để khẳng định mình, rồi mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, dù biết rằng điều đó rất mất thời gian. Đơn giản bởi “em muốn sản phẩm của mình được công nhận tốt thực sự. Với em, những bài báo như vậy sẽ như công cụ lọc giúp em biết được ở đâu đang làm ra những sản phẩm không tốt, hay có những người đang manh nha đi trượt ra bên ngoài tinh thần của handmade, hay chính bản thân họ cũng đang nghi ngờ sản phẩm của mình thì sớm muộn gì họ cũng từ bỏ. Còn em, em tin tưởng vào sản phẩm mình làm ra, em muốn đi theo hướng có đăng ký đàng hoàng, có thương hiệu đàng hoàng, chứ không làm chui.” Cô gái 9x này luôn tâm niệm “truyền niềm tin của mình cho các bạn khác. Nhiều bạn khi bắt tay vào làm thì cảm thấy hoang mang, lo sợ. Nhiều người lại chỉ làm theo ý thích. Nhưng em thì muốn kết hợp được cả hai điều đó. Em muốn phát triển từng bước, được xác nhận của Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan, rồi đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm.”

Nếu hỏi Trang có kế hoạch gì cho bản thân trong tương lai không, thì sẽ nhận được câu trả lời giản dị: Cứ đi là tới. “Em thấy, dù làm gì, thành công nằm ở trong chính con người mình. Mình chỉ cần gắn bó với nghề, dù chỉ là hộp son từ vỏ hộp chocolate vứt đi thì đó cũng là một thành công. Em chưa từng vạch mình một cái đích quá to tát, đạt đến cái này cái kia. Bởi em thấy, khi đặt đích, mình cuống để cố vươn tới cái đích đó, rồi lại cuống lên vươn tới cái đích khác, làm như vậy rất mệt mỏi. Em cứ bước đi thôi. Có những hôm làm đến 3-4h sáng, up lên tấm hình chia sẻ một mẻ thành công rồi mới đi ngủ, đó cũng là một hạnh phúc.”

Câu chuyện liên quan

Nguyễn Thị Thu Hà chân dung nữ CEO công ty edtech gọi vốn thành công 15 triệu USD

Nguyễn Thị Thu Hà chân dung nữ CEO công ty edtech gọi vốn thành công 15 triệu USD

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, hay còn được gọi là Hà San hiện đảm nhiệm vai trò COO của MindX…

Chuyển đổi số hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Chuyển đổi số hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh đã mở ra nhiều cơ hội…

Vũ Thúy Liễu nữ giảng viên biến lá dứa thành sợi thời trang cao cấp

Vũ Thúy Liễu nữ giảng viên biến lá dứa thành sợi thời trang cao cấp

Vũ Thị Liễu - Founder và CEO của startup Ecosoi đã mang sợi vải được dệt từ lá dứa và…

Wehub