Doanh nhân Nguyễn Thị Lan và Doanh nghiệp Dệt may Phú Thịnh

14:4323/11/201842 lượt xem

DOANH NHÂN NGUYỄN THỊ LAN VÀ DOANH NGHIỆP DỆT MAY PHÚ THỊNH

  1. Trần Thị Thanh Tú, ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, ThS. Trịnh Thị Phan Lan

 

4.1. Vị trí của ngành dệt may trong nền kinh tế quốc dân

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang phát triển mạnh, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và tạo việc làm cho người lao động thu ngoại tệ và là nguồn thu thuế lớn của Nhà nước.

Về việc làm

Dệt may là một trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất của Việt Nam. Lao động của ngành dệt may chiếm hơn 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% trong tổng lực lượng lao động toàn quốc, trong đó, gần 80% là lao động nữ.

Về kim ngạch xuất khẩu

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới, Việt Nam đứng trong danh sách top 10 các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Thế giới về hàng dệt may trong giai đoạn 2007 – 2009 và đứng ở vị trí thứ 7 trong năm 2010 với thị phần xuất khẩu gần 3%, sau Trung Quốc ( thị phần 36,6%), Bangladesh (4,32%), Đức (5,03%), Italya (5%), Ấn Độ (3,9%) và Thổ Nhĩ Kỳ ( 3,7%).

Bình quân giai đoạn 2006 – 2011, ngành dệt may đóng góp trên 15% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong những năm 2006 – 2008, dệt may là ngành hàng có giá trị xuất khẩu thứ 2 Việt Nam, chỉ đứng sau dầu thô. Tuy nhiên, từ năm 2009 – 2011, dệt may đã vươn lên vị trí dẫn đầu mặc dù tỉ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu có giảm nhẹ.

Về thị trường xuất khẩu

Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và EU. Hiện nay, Việt Nam đứng trong top 5 nhà cung ứng có thị phần lớn nhất đối với mặt hàng may mặc tại Hoa Kỳ và đứng trong top 10 tại thị trường EU, sau các nhà cung ứng khác như: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng tận dụng tốt các cơ hội mà các hiệp định Tự do Thương mại (FTA) mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu sang một thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Trung Đông và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường chính.

Về cơ cấu doanh nghiệp trong ngành dệt may

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việ Nam, nếu phân loại theo nguồn vốn sở hữu thì số doanh nghiệp dệt may ngoài quốc doanh tại Việt Nam là 1.172, doanh nghiệp nhà nước là 307 và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 472.

Còn phân loại theo số lao động có 1.270 doanh nghiệp có dưới 500 lao động, 399 doanh nghiệp có từ 500 đến 1.000 lao động, 244 doanh nghiệp có từ 1.000 đến 5.000 lao động và chỉ có 8 doanh nghiệp có từ 5.000 lao động trở lên. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệpn dệt may có quy mô nhỏ và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đa số tại Việt Nam.

Phân tích SWOT ngành dệt may tại Việt Nam

Điểm mạnh

  • Sở hữu một lực lượng nhân công giá rẻ, được thừa nhận là có kỹ năng và tay nghề cao.
  • Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may ngày càng tăng và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
  • Các doanh nghiệp may đang dần chú trọng và có kết hoạch đầu tư nâng cao năng lực thiết kế, năng suất lao động, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm giảm lãng phí về nguyên vật liệu.
  • Chính phủ Việt Nam có những biện pháp ưu tiên phát triển ngành dệt may.
  • Sản phẩm may mặc của Việt Nam đã thiết lập được chỗ đứng trên thị trường thế giới và được các thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản chấp nhận.

Điểm yếu

  • Lao động có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm còn thiếu và không ổn định;
  • Chủ yếu là thực hiện may gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài nên giá trị gia tăng của ngành may còn thấp;
  • Chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho ngành may của Việt Nam tại thị trường nước ngoài nên không chủ động được kênh phân phối và thị trường tiêu thụ;
  • Phần lớn nguyên liệu cho ngành may mặc hiện nay vẫn phải nhập khảu dẫn đến giá trị thực tế thu được của ngành chưa cao;
  • Khả năng tự thiết kế còn yếu, phần lớn là làm theo mẫu mã đặt hàng của phía nước ngoài để xuất khẩu;

Cơ hội

  • Dân số Việt Nam đông sẽ cung cấp một nhu cầu lớn cho ngành may mặc Việt Nam;
  • Triển vọng kinh tế thế giới về dài hạn có xu hướng cải thiện, làm tăng nhu cầu sản phẩm dệt may nói chung cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cao cấp nói riêng;
  • Việt Nam trở thành thành viên của WTO sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế xuất khi xuất khẩu hàng may mặc vào các nước khác;
  • Ngành may mặc trong thời gian tới được coi là ngành ưu tiên và khuyến khích phát triển nên sẽ nhận được những nguồn vốn đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.

Thách thức

  • Các quốc gia nhập khẩu thường có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với chất lượng của hàng may mặc nhập khẩu vào, bao gồm cả hàng hóa của Việt Nam;
  • Ngành dệt may Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh trên thị trường nội địa từ các sản phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan;
  • Việt Nam cần phải đầu tư các sản phẩm thiết kế thời trang để đáp ứng yêu cầu của thiij trường trong nước cũng như để xuất khẩu;
  • Xu hướng tăng cường bảo hộ mậu dịch, đặc biệt tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU có thể sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động ngành.
  • Những biến động bất lợi về giá dầu thế giới, giá lương công nhân có thể làm tăng giá thành sản xuất của doanh nghiệp may.

4.2. Dệt may tỉnh Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh được xem là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, có đường sông chạy qua nối với các vùng lân cận, có trục tuyến giao thông lớn nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại phía Bắc.

Bắc Ninh sở hữu một hệ thống giao thông phát triển và kết cấu hạ tầng đang được hoàn thiện. Dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, Bắc Ninh đang có lợi thế về các lĩnh vực như: cơ khí, kỹ thuật điện, vật liệu xây dưng, chế biến lâm sản đặc biệt đồ gỗ cao cấp, chế biến lương thực thực phẩm và dệt may.

Hiện nay, may mặc được xem là hướng phát triển mới của công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Do lợi thế về vị trí địa lý nên rất nhiều công ty may đã chuyển dịch dần từ trung tâm Hà Nội về Bắc Ninh để tận dụng nguồn nhân công rẻ. ở thời điểm hiện tại Bắc Ninh có cơ sở 2 của trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt may Thời trang Hà Nội ở huyện Thuận Thành, Nhà máy sợi ở huyện Quế Võ cùng rất nhiều các công ty may phân bổ khá đồng đều ở các huyện; trong đó chủ yếu là các công ty TNHH chuyên may gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu trực tiếp.

Với đặc thù của ngành may, các công ty này đã tận dụng được nguồn lao động tại chỗ của địa phương, tạo ra tất nhiều công ăn việc làm. Riêng huyện Gia Bình cũng có tới 7 cơ sở sản xuất may với 1.000 lao động.

Chủ trương của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh là khuyến khích cá công ty nhỏ vừa phát triể, nhất là dệt may vì sử dụng được nhiều lao động tại chỗ. Người lao động vừa tiếp tục sản xuất nông nghiệp tại địa phương lại vừa có thể tham gia vào các công ty may để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Các công ty dệt may được ưu tiên trong thuê mặt bằng và ủng hộ về mặt tài chính phát triển.

Hội Phụ nữ cũng có vai trò rất tích cực trong việc vận động chị em phụ nữ trên địa bàn mạnh dạn làm kinh tế. Người đi trước hướng dẫn cho người đi sau, cùng hỗ trợ những lúc khó khăn. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng rất nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho các công ty nhỏ và vừa vay vốn; đặc biệt là các công ty mới thành lập. Đa phần các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế về mặt kiến thức và pháp luật; do vậy, cán bộ ngân hàng luôn hướng dẫn nhiệt tình để các doanh nghiệp có thể lập dự án và vay vốn trong thời gian nhanh nhất có thể.

Tuy nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Nhân dân, Hội Phụ nữ và Ngân hàng nhưng dệt may của tỉnh Bắc Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi cộm nhất là thiếu lao động có tay nghề cao. Đa phần các công ty tuyển lao động phổ thông và trực tiếp đào tạo nghề. Ngoài ra, các công ty may mặc hoạt động khá độc lập, chưa liên kết thành mạng lưới và cũng chưa thành lập Hiệp hội Dệt may tỉnh Bắc Ninh.

4.3. Khái quát về công ty và lĩnh vực hoạt động kinh doanh

Công ty TNHH Sản xuất và Dich vụ Thương mại Phú Thịnh được thành lập tháng 10/2011 tại thôn Phú Dư – Quỳnh Phú, Gia Bình, thành phố Bắc Ninh. Tiền thân của công ty là Tổ hợp Thương mại Trọng Nghĩa, thành phần là các trẻ em khuyết tật và hộ may gia đình. Tổ hợp Thương mại Trọng Nghĩa khởi nghiệp vào năm 2003 với tài sản là 1 chiếc máy may. Với ý tưởng kinh doanh may đồng phục cho học sinh nhằm xóa bớt tâm lý phân biệt giàu nghèo khi đến trường và giúp trẻ em câm điếc có việc làm, chị Lan, giám đốc công ty Phú Thịnh hiện nay, đã nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng từ các trường học trong thôn, trong huyện, từ việc nhận trực tiếp và nhận hàng gia công cho cơ sở may khác.

Kể từ khi khởi nghiệp đến nay, cơ sở kinh doanh của chị Lan đã đào tạo được hơn 30 trẻ em câm điếc bẩm sinh độ tuổi từ 13 đến 27 tuổi. Trong thơi gian học nghề, các em được chị hỗ trợ chỗ ăn ở và một phần kinh phí, dựa trên số sản phẩm các em có thể làm ra được. Các em này sau khi học nghề và làm việc tại cơ sở của chị một thời gian thì đã xin được việc ở những cơ sở khác thuận lợi hơn, gần nhà các em hơn. Trong số đó, hiện nay vẫn có 7 em tiếp tục gắn bó với cơ sở sản xuất kinh doanh của chị.

Sau 8 năm hoạt động và phát triển, nhằm mở rộng thị trường, tăng cơ hội thuê đất và vay vốn ngân hàng để kinh doanh, chị Lan đã quyết định thành lập công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Phú Thịnh với tổng tài sản là 8 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Bình 2 tỷ đồng. Số lao động hiện nay của công ty vào khoảng 40 người gồm cả những người học việc và công nhân lành nghề, mức lương tương ứng là 800.000 đồng cho người học việc và 4.000.000 đồng cho công nhân lành nghề, mức lương trung bình hiện nay của công ty là 2.000.000 đồng một tháng, không gồm bữa trưa được ăn tại công ty.

Sản phẩm chính của công ty là áo jackets vào mùa đông, quần áo thời trang học đường cho học sinh cấp ba, sinh viên từ trung cấp, cao đẳng, đại học. Thị trường đầu ra của công ty là các chợ đầu mối, các cửa hàng nhận ký gửi, các khách hàng do công ty nỗ lực tiếp cận và cả những khách hàng tự tìm đến công ty đặt hàng.

Về vấn đề xác định giá bán cho sản phẩm của mình, chị Lan đã tìm hiểu và học hỏi một cách khá bài bản. Giá sản phẩm của chị đưa ra sau khi đã tham khảo giá của các sản phẩm tương tự trên thị trường, đồng thời bùn đắp được các chi phí phát sinh như: chi phí nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao, lãi vay, thuê mặt bằng (mặc dù xưởng sản suất tại nhà), chi phí quản lý (lương của bản thân chị) và một phần trăm lại nhất định.

Cơ cấu bộ máy công ty hiện nay bao gồm một giám đốc, một phó giám đốc, một kế toán, và một tổ trưởng. Đầu năm 2012, công ty Phú Thịnh mới tiếp quản một cơ sở may ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Cơ sở này có những khó khăn về tài chính, nơ lương công nhân nhiều tháng nay và nếu không có sự thay đổi về chủ sở hữu cũng như người quản lý thì giải thể là điều tất yếu. Chị Lan nhận thấy đây là một cơ hội kinh doanh cho mình, chị đã mua lại cơ sở này, tiếp tục sử dụng cơ sở vất chất cũng như người lao động của cơ sở may. Như vậy, chiến lược phát triển trong tương lại của chị Lan là mở rộng quy mô hoạt động, thâm nhập vào các thị trường mới trong nước, và để chiến lược này thành công, kế hoạch sắp tới của chị Lan là sẽ thuê thêm chuyên gia, người có trình độ để hỗ trợ chị về quản lý cũng như kỹ tthuật.

4.4. Về nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan

Chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1974, trong một gia đình làm nông nghiệp. Do hoàn cảnh gia đình, chị không được học hết lớp 12 và ở nhà làm ruộng giúp đỡ bố mẹ. Chị lập gia đình năm 19 tuổi, theo như chị tâm sự thì tuổi này cũng khá là muộn so với thôn xóm của chị. Cuộc sống gia đình vất vả, chị quyết tâm học lấy một nghề thích hợp để thoát khỏi đồng ruộng, và chị đến với nghề may. Chị học một lớp ngắn hạn 15 ngày với những đường may nét cắt cơ bản, sau đó chị tự mày mò với nghề. Thời gian đầu mới đi học, về nhà chị đã tháo dỡ quẩn áo của chồng con và gia đình ra rồi may lại. Khi chị đi làm thuê ở những cơ sở may từ nhỏ đến lớn, chị học từ những người bạn, những công nhân khác. Cho đến bây giờ chị đã là một Giám đốc thành đạt, chị đã tự học từ sách, báo, tạp chí thời trang và có những kỹ năng chị đã học được từ những công nhân lành nghề của mình. Cách sống và làm việc của chị thể hiện một quan điểm sống rất đáng học hỏi từ chị: “ Hãy sống vì cộng đồng, hãy cho trước khi nhận”. Chị Lan được mọi người trong thôn xóm yêu quý, nể phục vì tinh thần nhân nghĩa đó. Cơ sở kinh doanh của chị đã đem lại nguồn sống, niềm vui cho biết bao người, đặc biệt là các trẻ em khuyết tật. Các em cảm thấy mình sống có ý nghĩa, tự tay mình làm được đồng tiền nuôi bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Gia đình các em thường gọi chi Lan là cô giáo với nhiều nghĩa, chị đã dạy cho các em cái nghề đẻ sinh sống, và dạy cho các em cách giúp đỡ,  đối xử nhân ái vối người khác.

Có những người lao động lành nghề tại cơ sở của chị Lan có rất nhiều cơ hội để làm việc ở những cơ sở kinh doanh lớn hơn, mức lương tốt hơn nhưng họ vẫn ở lại gắn bó với chị. Khi được hỏi điều gì đã khiến họ lưu luyến và toàn tâm toàn ý làm cho chị như vậy, họ trả lời: “ Chị Lan đã đối xử với chúng em như người trong gia đình, chúng em không bị áp lực căng thẳng khi làm việc, và khi chúng em có những khó khăn trong cuộc sống chúng em có thể nói ra với chị và thường được chị giúp đỡ bằng những lời khuyên bảo, hoặc chị có thể cho chúng em vay tiền để giải quyết khó khăn”.

Theo những gì chị Lan tâm sự chia sẻ, chị gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. Hai mươi chín tuổi với một số kỹ năng nghề nhất định và một cái máy ma, chị khởi nghiệp, vừa làm vừa rút kinh nghiệp, như dò đá qua sông. Khó khăn lớn nhất là không nắm bắt được thị trường, không tìm được đầu ra, kinh nghiệm quản lý hạn chế và đặc biệt khó khăn là việc hướng dẫn cho các em khuyết tật thực hành. Quá trình giao tiếp diễn ra chật vật và mất rất nhiều thời gian, chị phải học cách giao tiếp của các em, rồi sau đó, dùng ngôn ngữ đó để hướng dẫn, truyền đạt cho các em những nội dung kỹ thuật.

Chị chia sẻ về một thất bại cay đắng trong quá trình kinh doanh của chị, chị nhận may gia công cho một cơ sở ở Thọ Xuân, Hà Tây lô quần áo bảo hộ hàng không của Nhật 400 chiếc. Chị cùng các em làm trong vòng 3 tháng mới hoàn thành nhưng lô hàng đã bị trả lại do thiếu 0,3mm chiều dài. Chị nói vừa đi vừa khóc, mất 3 tháng không công, chi phí nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển hàng về Hà Tây rồi lại trở về Bắc Ninh. Đây thật sự là bài học xương máu cho những thành công sau này của chị. Chị xác định nguyên nhân là do mình, do việc truyền đạt đến các em khó quá, kinh nghiệm rút ra là thông tin quản trị, thông tin kỹ thuật cần được đảm bảo truyền đạt chính xác đến người lao động.

Những khó khăn về vốn cũng không phải nhỏ. Thời gian đầu chị dựa chính vào số tiền tiết kiệm của gia đình, thời gian sau vay mượn của người thân họ hàng. Khi quy mô trở nên lớn hơn, chị phải tìm đến ngân hàng, tuy vậy, việc giải trình để ngân hàng cho vay là cả một vấn đề. Lý do là thị trường đầu ra của chị chủ yếu là ký gửi, sản xuất dựa vào dự báo, phán đoán của bản thân chị là chính, chứ không có đơn đặt hàng chắc chắn từ trước. Do vậy, số vốn đầu tiên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Gia Bình chỉ cho chị vay 50 triệu đồng, dần dần, ngân hàng thấy chị đảm bảo trả nợ lãi và gốc không những đúng hạn mà còn trước hạn đã nâng dần hạn mức cho vay lên, tính đến thời điểm này, ngân hàng đã cho chị vay 2 tỷ đồng, số tiền này một phần chị đầu tư cho cơ sở vật chất, một phần đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp.

Khi được hỏi về sự khác biệt giữu một người đàn ông làm kinh doanh với một người phụ nữ làm kinh doanh, chị nói người phụ nữ phải vượt qua nhiều khó khăn hơn đàn ông để có thể đứng vững và phát triển, mà khó khăn nhất theo chị chính là những quan niệm xã hội. Người đàn ông có thể đi đêm về hôm, phó mặc chuyện chăm sóc gia đình, con cái cho người vợ, nhưng người phụ nữ không thể làm như vậy. Thời gian đầu, chị cũng không được được sự ủng hộ nhiều từ phí chồng và gia đình, bởi lẽ, ở một vùng nông thôn như nơi chị sống, cộng đồng làng xóm vẫn có cái nhìn rất khắt khe với phụ nữ. Hiện nay, cuộc sống gia đình cũng như công việc kinh doanh của chị khá hài hòa và cân bằng. Chồng chị đã hiểu và hỗ trợ rất lớn cho chị trong kinh doanh, các con chị đều ngoan và học giỏi, con gái lớn được chị đầu tư cho sang Nhật học đại học, còn cậu con trai học lớp 10 ở một trường cấp 3 ở huyện Bắc Ninh.

4.5. Yếu tố tạo nên thành công và bài học kinh nghiệm

Khi được hỏi về bí quyết cho những thành công của chị, chị trả lời rất chân thành: “ Đời người rất ngắn để có thể bắt đầu lại cho nên khi gặp khó khăn cách tốt nhất là hãy vượt qua nó, quyết tâm đi tiếp con đường mình đã chọn”. Để có được thành công ngày hôm nay, đánh giá lại chặng đường đã đi, chị đã vượt qua từng khó khăn một, từ khó khăn về vốn, về giao tiếp với người lao động, về quan niệm xã hội, với một lòng quyết tâm, một ý chí vươn lên bền bỉ.

Một bí quyết nữa cũng chính là quan điểm sống, quan điểm điều hành công ty của chị, đó là sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ người khác, coi công ty như gia đình, không tạo áp lực với công nhân, luôn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, để họ không có những bực bội ức chế khi làm việc ảnh hưởng đến công việc chung của công ty.

Nguyện vọng của chị Lan trong thời gian tới là được đi học một lớp bài bản về những kỹ năng quản lý đối với một công ty quy mô lớn hơn nhằm hình thành ý thức lao động chuyên nghiệp hơn cho công nhân, và đặc biệt là những kiến thức về công tác marketing hiện đại. Theo chị, nắm bắt nhu cầu sai sẽ dẫn đến những sai lầm không thể cứu vãn, hơn nữa, vốn kinh doanh của chị bây giờ không chỉ có vốn tự có mà còn cả vốn vay ngân hàng nên độ thận trọng cần cao hơn rất nhiều. Song điều làm chị cân nhắc trong mỗi hành động của mình đó là công ty chị đang là nguồn sống không chỉ cho gia đình chị mà còn là nguồn sống của hơn 40 gia đình người lao động. Niềm vui của chị là lợi nhuận công ty gia tăng hàng năm để chị có điều kiện tăng lương cho công nhân. Ánh mắt chị sáng lên lấp lánh khi chị chia sẻ với chúng tôi rằng, mặc dù năm 2011 vừa qua rất khó khăn, các doanh nghiệp xung quanh còn cắt giảm lương thưởng cho công nhân nhưng công ty chị không những vẫn duy trì mà còn có tháng lương thứ 13 cho người lao động.

Nhìn về chặng đường sắp tới, chị nói sẽ còn đầy rẫy những khó khăn. Chị sẽ phải đối mặt với thị trường trong nước và nước ngoài chưa phục hồi do khủng hoảng kinh tế toàn cầu; đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá và mẫu mã của hàng Trung Quốc. Tuy vậy, với sự quyết tâm và lạc quan, chị chia sẻ: “ Bơi ở biển lớn sẽ khác nhiều với bơi ở những con sông nhỏ,mình sẽ cần học hỏi thêm nhiều điều về thị trường, những phương pháp hiện đại về nắm bắt nhu cầu và dự đoán doanh thu để giảm rủi ro của việc hàng làm ra không tiêu thụ được. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm được thị trường đặc thù, thị trường ngách của mình để có thể cạnh tranh tốt với cá mặt hàng của Trung Quốc. Mình xác định để tồn tại và phát triển được, ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình thì tăng khả năng hợp tác với các doanh nghiệp khác”.

Chúng tôi, những người làm chương trình, tn rằng, với tinh thần không ngừng học hỏi, với sự hiểu biết rộng hơn, kinh nghiệm quản lý tốt hơn, bản lĩnh kinh doanh dày dặn hơn và quan trọng hơn cả là chị vẫn giữ gìn được tấm lòng nhân ái vì cộng đồng thì những khó khăn sẽ lùi xa và những thành công sẽ theo từng bước chân của chị.

Câu chuyện liên quan

Nguyễn Thị Thu Hà chân dung nữ CEO công ty edtech gọi vốn thành công 15 triệu USD

Nguyễn Thị Thu Hà chân dung nữ CEO công ty edtech gọi vốn thành công 15 triệu USD

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, hay còn được gọi là Hà San hiện đảm nhiệm vai trò COO của MindX…

Chuyển đổi số hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Chuyển đổi số hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh đã mở ra nhiều cơ hội…

Vũ Thúy Liễu nữ giảng viên biến lá dứa thành sợi thời trang cao cấp

Vũ Thúy Liễu nữ giảng viên biến lá dứa thành sợi thời trang cao cấp

Vũ Thị Liễu - Founder và CEO của startup Ecosoi đã mang sợi vải được dệt từ lá dứa và…

Wehub