Doanh nhân Nguyễn Thị Lập và Công ty TNHH Trung Nguyệt

14:4023/11/201827 lượt xem

Doanh nhân Nguyễn Thị Lập và Công ty TNHH Trung Nguyệt

7.1  Nghề đúc đồng ở Việt Nam

7.1.1 Vài nét sơ lược về nghề đúc đồng ở Việt Nam

Đúc đồng ở Việt Nam là một trong những nghề cổ nhất và tinh xảo bậc nhất. Sản phẩm thường là những mặt hàng thờ cúng như: lư hương, tam sự, ngũ sự, chuông, đỉnh, hạc… Những mặt hàng tinh xảo, mỹ nghệ, đồ gia dụng sang trọng như bình đồng, ấm đồng, chạm trổ tinh vi

Những sản phẩm đúc đồng cổ xưa thường được tìm thấy như mặt trống đồng, tượng Phật Di Lặc, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay… Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều cổ vật có niên đại từ 2500 năm trước khi khai quật ở trung tâm văn hóa xưa nhất như Ngọc Lũ- Hòa Bình, Đông Sơn- Thanh Hóa. Điều đó minh chứng đầy thuyết phục về một nghề truyền thống đã có từ nhiều nghìn năm lịch sử.

Nghề đúc đồng vô cùng công phu, phải qua nhiều công đoạn phức tạp khi trở thành một sản vật để đời. Trước hết là đúc phôi. Sau khi đã có khuôn, các nghệ nhân cho rót hợp kim đồng nung chảy vào khuôn. Hợp kim với tỷ lệ thích hợp sao cho sản phẩm bền đẹp, không nứt rạn là tài nghệ riêng của mỗi lò đúc.  Khi đã có được hình dáng chất lượng thô như ý, người thợ đồng bước vào giai đoạn chạm khắc các hình thù lên sản phẩm.

Chạm khắc nổi, chạm khắc chìm, tạo hoa văn, cảnh vật, muông thú.. là những công đoạn tinh tế cần phải là bậc nghệ nhân tài hoa, nhiều năm kinh nghiệm mới tạo nên nét tinh tế, sáng tạo để có những nét khắc mềm mại, nuột nà. Nhưng khảm trên mặt sản phẩm đồng mới thực sự phô diễn hết tài hoa của mỗi người thợ. Người ta thường đưa những chất liệu quý hiếm khảm lên bề mặt của sản phẩm như vàng, bạc, đá quý… Nhiều tác phẩm đạt tới giá trị độc nhất vô nhị. Đó là những tác phẩm để đời và lưu danh vào lịch sử làng nghề.

Việt Nam có nhiều làng nghề đúc đồng trải từ Bắc vào Nam. Đây đều là những làng nghề nổi tiếng tài hoa qua nhiều thế kỷ.

 

 

Bảng 19: Một số làng nghề đúc đồng truyền thống của Việt Nam

Miền Bắc

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã- Hà Nội

Làng nghề Đại Bái- Bắc Ninh

Làng nghề trống đồng Trà Đồng- Thanh Hóa

Miền Trung

Làng đúc chuông Lò Đúc- Huế

Miền Nam

Làng nghề đúc đồng Long Điền- Bà Rịa Vũng Tàu

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây- Khánh Hòa

Thành phố Hồ Chí Minh

Làng nghề Chợ Quán, Tân Kiếng, Nhân Giang, Bình Yên, Tân Hòa Đông, Thuận Kiều… thuộc quận 5, quận 6, quận Gò Vấp, Hóc Môn

 

Tuy nhiên, nói đến đúc đồng truyền thống phải nhắc đến làng nghề Đại Bái. Lần theo gia phả của những dòng họ trong làng đúc đồng ở cá địa phương khác thì họ đều là con cháu của người làng Đại Bái. Các nghệ nhân làng Đại Bái đã mang nghề làng đi khắp bốn phương trời. Họ lên Thăng Long và đậu lại ở đó để cùng người Thăng Long lập nên làng Ngũ Xã. Họ nhập vào đoàn quân Nguyễn vượt sông Gianh Trường Sơn rồi dừng bước ở Huế, sau này cùng những người thợ xứ “Đàng trong” lập nê  làng đúc đồng ở Kinh Đô. Cho nên, làng nghề đúc đồng Việt Nam có nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là làng cổ đúc đồng Đại Bái.

7.1.2 Làng cổ đúc đồng Đại Bái

Đại Bái thuộc huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh, là một trong số ít những làng nghề đúc đồng nổi tiếng Việt Nam. Theo tương truyền năm xưa làng Đại Bái có tên là làng Văn Lang, nằm trên một dải đất cao  bên bờ sông Bái Giang, chuyên sản xuất các dụng cụ trong gia đình bằng đồng như ấm, mâm, chậu, thau… Tuy nhiên phải đến đầu thế kỷ XI, nghề đúc đồng ở nơi đây mới được phát triển mạnh

Các sản phẩm truyền thống có tiếng của làng nghề từ xưa đến nay vẫn là tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa, tranh, câu đối bằng đồng… Hiện nay, cả xã có hơn 1300 hộ, 6500 nhân khẩu, thì có đến 700 hộ làm nghề trực tiếp, 500 hộ chuyên làm kinh doanh, dịch vụ liên quan đến nghề đúc đồng truyền thống. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân Đại Bái khá hơn hẳn so với các vùng xung quanh.

7.2 Công ty TNHH Trung Nguyệt và câu chuyện về nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lập

Công ty TNHH Trung Nguyệt là một công ty chuyên cán đồng ở làng cổ đúc đồng Đại Bái, Bắc Ninh. Đây là công ty do bà Nguyễn Thị Lập gây dựng- đại diện cho mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam, đi lên từ hộ gia đình làm nghề truyền thống, sử dụng lao động gia đình và nhân công địa phương là chủ yếu. Doanh nhân Nguyễn Thị Lập vốn xuất thân từ phụ nữ ít học, nghèo khổ- mẫu phụ nữ phổ biến ở Việt Nam và các nước đang phát triển- đã vượt lên số phận và say mê làm giàu chân chính

Mục đích của nhóm viết bài là mong muốn nhân rộng điển hình của những người phụ nữ nông nghiệp nông thôn thoát khỏi những định kiến của xã hội, tự đứng lên bằng đôi chân của mình; đồng thời kêu gọi các doanh nhân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung tích cực bảo tôn, gìn giữ các làng nghề truyền thống ở địa phương nhằm giới thiệu rộng rãi ra thế giới như món quà di sản quý giá của quê hương.

7.2.1 Công ty TNHH Trung Nguyệt với nghề đúc đông truyền thống

Vài nét sơ lược

Tên giao dịch : công ty TNHH Trung Nguyệt

Địa chỉ: Đại Bái huyện Gia Định tỉnh Bắc Ninh Việt Nam

Ngành nghề kinh doanh : sản xuất thanh đồng lá

Thành lập năm : 2007

Giám đốc công ty : bà Nguyễn Thị Lập

Số vốn bắt đầu khởi nghiệp : 300 triệu VNĐ

Số lượng công nhân sản xuất trực tiếp : 06

Số lượng công nhân sản xuất gián tiếp : 03

 

 

 

Quá trình hình thành , phát triển và lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh

Công ty Trung Nguyệt thành lập tại làng nghề đúc đồng  Đại Bái huyện Gia Định tỉnh Bắc Ninh. Giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Lập. Với số vốn bắt đầu chỉ 300 triệu đồng, bao gồm tiền vốn tự có tích góp trong mấy năm đi thu mua nhôm phế liệu nhỏ lẻ và tiền vay ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công ty gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này công ty chỉ có 2 công nhân là người trong làng và 3 người nhà (bản thân bà ,con trai cả và con dâu). Bộ máy công ty gọn nhẹ và đơn giản: bà Lập làm giám đốc, con trai cả làm phó giám đốc, một người trong làng có bằng trung cấp kế toán sẽ đảm nhiệm việc tính toán sổ sách.

Sản phẩm chính của công ty là làm thanh chìa khóa cán đồng và thanh đồng cán mỏng để làm thiết bị trong ổ cắm. thời gian đầu chưa có máy nên công ty vẫn phải đi thuê cán. Sau này khi thu nhập đều đặn ngân hàng tin tưởng cho công ty vay thêm tiền và công ty bắt đầu tự mua được máy móc.

Khách hàng chính hiện nay của công ty là công ty Duy Linh ( Hà Nội ) và công ty cổ phần khí cụ điện VINAKIP. Công ty Trung Nguyệt cung cấp thanh chìa khóa cán đồng cho công ty Duy Linh. Sau đó, công ty Duy Linh sẽ sử dụng thanh đồng này để dập thành chìa khóa và cung cấp cho công ty Việt Tiệp. trong khi đó, công ty cổ phần khí cụ điện VINAKIP sẽ nhập tấm đồng cán mỏng của công ty để làm thiết bị trong ổ cắm điện.

Quy mô sản xuất của Trung Nguyệt là 8 tấn 1 năm. Việc định giá của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào giá cả thị trường và sự biến động của giá thu mua đồng nguyên liệu.

Sau 6 năm hoạt động kinh doanh, công ty Trung Nguyệt đã gặt hái được nhiều thành công. Công ty ( đồng thời là nơi ở của gia đình bà Lập ) rộng hơn 600m2, có 3 máy móc, ô tô và 6 công nhân lành nghề.

Tuy nhiên, do lĩnh vực hoạt dộng kinh doanh của công ty là đúc đồng, nên thách thức lớn đến với công ty từ sự biến động của giá thu mua đồng, vấn đề ô nhiễm môi trường sống – đây là vấn đề đang được nhà nước và xã hội quan tâm và cuối cùng vấn đề liên quan đến an toàn lao động cho người công nhân.

Thời kì khó khăn của công ty

Năm 2008 là năm khó khăn nhất đối với công ty. Giá đồng nguyên liệu bị tụt giá từ 100000đồng/kg xuống 60000đồng/kg. trong khi trước đó để tiến hành sản xuất công ty đã phải mua đồng ở giá cao. Giá bán đầu ra lại giảm nên công ty gặp thiệt hại khá nặng nề.

Hoạt động kinh doanh qua các năm

 

Bảng 20: Hoạt động kinh doanh của công ty Trung Nguyệt qua các năm

Đơn vị : triệu đồng

Năm

2007

2008

2009

2010

2011

Quý I/2012

Doanh thu

725

509

950

878

943

300

Chi phí

491

345

514

506

500

212

Lợi nhuận

234

164

346

372

443

98

 

Nguồn: công ty TNHH Trung Nguyệt cung cấp

Bảng 21: Vay ngân hàng

Năm 2007

 

Lần 1

Lần 2

Số vốn vay

700 triệu đồng

300 triệu đồng

Mục đích vay

Mua máy cán đồng số 1

Bổ sung vốn lưu động

Năm 2008

 

Lần 1

Lần 2

Số vốn vay

500 triệu đồng

200 triệu đồng

Mục đích vay

Mua máy cán đồng số 2

Bổ sung vốn lưu động

Năm 2009

 

Lần 1

Lần 2

Số vốn vay

500 triệu đồng

700 triệu đồng

Mục đích vay

Bổ sung vốn lưu động

Mua máy cán đồng số 3

Từ năm 2010 đến nay, năm nào công t cũng vay ngân hàng khoảng 500-700 triệu để bổ sung vào vốn lưu động. đầu năm 2012 , tu kinh doanh đồng gạp khó khăn nhưng công ty vẫn trích ra 200 triệu đồng mua thêm 1 máy mới.

Kĩ thuật sản xuất

Kĩ thuật sản xuất thanh đồng khá phức tạp đối với 1 cơ sở sản xuất thủ công như công ty Trung Nguyệt. Trước hết, thanh dồng làm ra phải đảm bảo độ dày, mỏng theo yêu cầu của khách hàng. Thứ 2 , thanh đồng phải đảm bảo độ cứng vừa phải. Do đó , để làm ra thanh dồng ngời làng Đại Bái trộn một tỷ lệ nhất định giữa đồng nguyên chất và gang để đảm bảo độ cứng cho thanh đồng. thứ 3 thanh dồng không được lẫn tạp chất khác.

7.2.2 Doanh nhân Nguyễn Thị Lập khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng.

Bà Nguyễn Thị Lập sinh năm 1955. Hồi nhỏ, do gia đình khó khăn, bà không được học hành nhiều, chỉ biết viết và tính toán trên đầu ngón tay. Đến tuổi lấy chồng bà ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa và 2 con trai, tất cả chi tiêu trong nhà phụ thuộc hết vào chồng bà.

Những năm 1970 – 1980, gia đình bà nổi tiếng ở Bắc Giang về kinh doanh vận tải, chuyên trở hành khách. Gặt hái nhiều thành công trong kinh doanh, cuộc sống gia đình bà rất sung túc.

Tuy nhiên, số phận lại thử thách bà khi chồng bà và người con trai thứ 2 lại đột ngột ra đi do bệnh hiểm nghèo. Mọi gánh nặng đè lên vai bà, kinh doanh vận tải gặp thất bại, bà phải cầm cố hết tài sản để trang trải nợ nần và vì vậy bà phải dắt con về quê ngoại ở tỉnh Bắc Ninh.

Từ năm 2000 – 2006 để có tiền nuôi 2 con bà phải đi làm thuê  và sau đó đi thu mua, bán nhôm phế liệu. Một thời gian sau, khi đã quen với công việc và các mối hàng, cộng với số tiền tích gốp được và chuyển sang thu mua và đúc đồng – đây cũng chính là nghề từ ông bà của bà làm và sau này đến giai đoạn bố mẹ bà thì bị ngắt quãng.

Ban đầu, bà mạnh dạn xây một lò con đúc thử, chưa có máy nên bà phải đi thuê cán. Kĩ thuật đúc đồng bà đi hỏi dò hàng xóm. Thời gian đầu bà thuê hai công nhân trong làng cùng bà và cậu con trai cả cùng làm. Sau đó, qua sự giới thiệu của anh họ, bà ra Hà Nội và đến công ty Duy Linh để chào hàng. Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của bà, công ty Duy Linh cũng muốn tạo cơ hội để bà hợp tác với công ty. Tuy nhiên, họ lại đưa ra yêu cầu là bà phải thành lập công ty, có tư cách pháp nhân thì họ mới đặt hàng.

Đứng trước yêu cầu công ty Duy Linh đặt ra, bà thực sự lo lắng. không thành lập công ty thì không bán được hàng, lấy gì  nuôi con, trả nợ. Thành lập công ty thì sao? Thân gái một mình, học hành không có, liệu bà có điều hành được công ty hay không? Nhưng đúc đồng thì bà tin là bà làm được, vì đúc dồng là nghề của làng, nguời làng sành nghề lắm.

Sau một năm trời đấu tranh tư tưởng, suy nghĩ, lo lắng nhưng được sự động viên của con trai và chú Lữ( hàng xóm – sau này là kế toán của công ty ), cuối cùng bà đã quyết định thành lập công ty vào năm 2007. Để có vốn kinh doanh, bà đã phải đem sổ đỏ căn nhà đi thế chấp ở ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh để vay tiền. Cộng với số tiền vay mượn của người thân tổng số vốn ban đầu của công ty là 300 triệu đồng.

Trong 5 năm đầu tiên làm kinh doanh, công việc gặp nhiều khó khăn ,có cả thất bại. Toàn bộ tâm huyết của bà dành cho công việc kinh doanh chỉ với mong ước có đủ cơm ăn và chuộc lại căn nhà đã mang đi thế chấp.

Hiện nay, công việc kinh doanh đã đi vào ổn định, đã có những khách hàng quen, công nhân quen việc và lành nghề. Lợi nhuận của công ty tăng trưởng ổn định, mối lo lắng của bà được giảm đi rất nhiều. Bà để con trai và con dâu lo việc kinh doanh, giao tiếp khách hàng… còn bà, ngoài thời gian điều hành công ty, bà dành hết thời gian còn lại cho đứa cháu nội và tham gia việc làng. Cuộc sống của bà đã cân bằng hơn trước rất nhiều. Thêm vào đó, suy nghĩ và quan điểm của bà cũng đã thay dổi. Trước đây, bà sống trong sự bao bọc của chồng, suy nghĩ và cách sống của bà phụ thuộc và thụ dộng. Còn hiện nay, bà trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đón hơn và sống cuộc sống độc lập. Với bà, kinh doanh không còn là để mưu sinh nữa mà là để làm giàu. Bầ là tấm gương sáng của huyện Gia Bình về phụ nữ đã vượt qua bao khó khăn và mất mát để vươn lên khởi nghiệp kinh doanh.

7.3 Yếu tố tạo nên thành công và bài học kinh nghiệm

7.3.1 Yếu tố tạo nên thành công

Một người ít học , khó khăn chồng chất như bà Lập tưởng rằng sẽ  không thể kinh doanh nhưng cuối cùng bà đã thành công . Vậy yếu tố tạo nên thành công  trong trường hợp này là gì ?

  • Trước hết , đó là sự quyết tâm , đồng lòng của cả gia đình (  bà Lập và con trai ) . Đứng trước hoàn cảnh khó khăn  , lựa chọn của gia đình là cần phải tiến lên và thành công . Con trai và con dâu đều rất ủng hộ bà.
  • Thứ 2 là sự cần cù , chịu khó. Xuất thân từ gia đình nghèo , lại là phụ nữ nông thôn nên bà Lập rất chăm chỉ và chịu khó . Bà mày mò đi tìm hiểu kĩ thuật đúc đồng , hỏng mẻ này lại làm mẻ khác .
  • Thứ ba là có các mối quan hệ . Bà Lập thành công do anh họ giúp giới thiệu khách hàng ; chú Lữ hàng xóm giúp công việc sổ sách , kế toán.
  • Thứ tư , kinh doanh trong làng nghề truyền thống , dễ dàng thuê nhân công lành nghề.
  • Thứ năm , được khách hàng ( Công ty Duy Linh ) giúp đỡ , tạo điều kiện.
  • Thứ sáu ,hai khách hàng chính của công ty ( Công ty Duy Linh và Công ty Vinakip) khá thành công nên họ luôn thanh toán  đầy đủ đúng hẹn.
  • Thứ bảy , được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng.

7.3.2  Bài học kinh nghiệm

  • Thứ nhất, bà Lập khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng: không tiền,không học hành. Bà rất thấm thía những khó khăn đã trải qua do thiếu kiến thức. Bà cho rằng, khi bắt đầu kinh doanh, người phụ nữ cần trang bị những kĩ năng khởi nghiệp cơ bản để giảm bớt khó khăn (như kĩ năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, lập kế hoạch vay vốn,quản lý sổ sách thu chi giữa gia đình và công ty…).
  • Thứ hai, phụ nữ làm kinh doanh đã khó, phụ nữ nghèo làm kinh doanh càng khó hơn. Như trường hợp của bà Lập, không có sự ủng hộ từ phía gia đình và sự giúp đỡ của những người xung quanh thì bà không thể thành công. Do vậy, phụ nữ khởi nghiệp nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những mối quan hệ quanh mình cũng như từ các tổ chức, các hội phụ nữ.
  • Thứ ba, cơ hội kinh doanh có rất nhiều xung quanh mình. Bà Lập cũng không nghĩ rằng một phụ nữ như bà có thể sản xuất thanh đồng – một công việc phần nhiều cho nam giới. Sau đó, mỗi phụ nữ hãy mạnh dạn khởi nghiệp từ những gì có thể xung quanh mình, dù rất nhỏ.

Câu chuyện liên quan

Nguyễn Thị Thu Hà chân dung nữ CEO công ty edtech gọi vốn thành công 15 triệu USD

Nguyễn Thị Thu Hà chân dung nữ CEO công ty edtech gọi vốn thành công 15 triệu USD

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, hay còn được gọi là Hà San hiện đảm nhiệm vai trò COO của MindX…

Chuyển đổi số hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Chuyển đổi số hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh đã mở ra nhiều cơ hội…

Vũ Thúy Liễu nữ giảng viên biến lá dứa thành sợi thời trang cao cấp

Vũ Thúy Liễu nữ giảng viên biến lá dứa thành sợi thời trang cao cấp

Vũ Thị Liễu - Founder và CEO của startup Ecosoi đã mang sợi vải được dệt từ lá dứa và…

Wehub